“Cây khô không trái, gái độc không con” đây là câu mà những người phụ nữ chẳng may rơi vào tình trạng hiếm muộn bị người đời rủa xả. Thiên chức làm vợ, làm mẹ mỗi người phụ nữ sinh ra đều có bản năng, sự khiếm khuyết thiên chức không chỉ khiến chính người phụ nữ mang một nỗi đau, mà bên cạnh đó, những mai mỉa, những coi khinh của người đời khiến cho các chị như luôn mang trong mình những bản án không tên.
Vợ không đẻ được thì “đổi mái”
Chị Kiều Thị Loan (Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) đến tận bây giờ, khi mà những khiếm khuyết của chị đã được bù đắp đủ vẫn thấy cay đắng.
Kết hôn với người mình yêu, những tưởng hạnh phúc sẽ mãi vẹn đầy, chị và anh bắt đầu mong chờ ngày tháng được bồng bế đứa con kết tinh từ tình yêu. Thế nhưng càng chờ, càng đợi, niềm khao khát ấy như càng xa. Vợ chồng bảo nhau đi kiểm tra, kết quả anh bình thường, còn chị thì bị tắc vòi trứng. Lúc ấy, anh chị vì khó khăn nên bảo nhau đi xuất khẩu lao động sang Angola, bác sĩ tư vấn chị sang Brazil chữa bệnh. Nhưng một phần lo vì bất đồng ngôn ngữ, một phần do không có kinh tế, chị ngậm ngùi ôm sầu khổ một mình.
Ở nước ngoài, nhưng chị không ngừng đi thăm hỏi kinh nghiệm về chữa hiếm muộn. Rồi mày mò tự ăn, tự chữa. Chị tâm sự, nghe người ta mách làm gì, uống gì chị cũng làm. Có thời điểm, chị nghe người ta chỉ, mỗi ngày uống 1 viên tễ và 1 ly rượu vang. “Con chẳng thấy đâu, nhưng mình bị đau dạ dày thì đã thấy”, chị Loan cho biết.
Vợ chồng chị Kiều Thị Loan. Ảnh do nhân vật cung cấp
Khát khao có một mụn con, hai vợ chồng bỏ hết những khát vọng giàu có ở trên nước bạn, lên máy bay về Việt Nam để cùng dìu dắt với hành trình tìm con.
“Khắc nghiệt lắm cô, người thông cảm thì ít, người dè bỉu thì nhiều. Những lời dị nghị, những đồn đoán không căn cứ bủa vây tôi chỉ vì cái “tội” không biết đẻ con”- chị Loan nghẹn ngào. Đôi khi, chỉ những lời nói vô tâm nhưng độc địa khiến chị cay đắng: “Vợ không đẻ được thì thay mái đi” họ nói với chồng chị như thế. Cuộc sống của người đàn bà không con vốn đã không trọn vẹn, nhưng nỗi đau từ chính những người xung quanh khiến chị càng dằn vặt, day dứt và khốn khổ nhiều hơn.
Bị bồ của chồng mạt sát vì… không biết đẻ
Vốn gần nhà, nên chị Nguyễn Thị Ngọc (Gia Lâm, Hà Nội) nhanh chóng đồng ý kết hôn với người bạn chơi chung thủa niên thiếu. Mặc dù gia đình nhà chồng ngăn cản, nhưng vì quyết chí nên chị và anh vẫn đến được với nhau. Sự kỳ thị của gia đình nhà chồng càng tăng khi chị về làm dâu, và năm 1, năm 2 qua đi vẫn chưa thấy hai vợ chồng báo tin vui.
Chị tâm sự “Gia đình chồng đã không thích lại càng không thích. Thôi thì đủ những suy diễn, những lời cay đắng. Có những khi, tôi còn nghe phong thanh gia đình nhà chồng nói do tôi chơi bời, nạo hút nhiều lần dẫn đến không con. Nhục nhã và tủi thân vô cùng, không lẽ tôi phải đến từng người, từng nhà để thanh minh với họ rằng, tôi còn con gái cho đến tận ngày cưới.”
Và rồi không biết tự bao giờ, cái tên Ngọc “điếc” gắn liền với chị. Không biết vô tâm hay hữu ý, họ gọi chị, và gán cho chị cái tiếng xấu mà các cụ rủa những người như chị: “Gái độc không con”.
Chuyện tìm con của những người đàn bà hiếm muộn. Ảnh minh họa
Có thể so sánh được không, khi mà chị T.T.P (Đông Sơn, Thanh Hóa) còn bị xúc phạm bởi…. “con giáp thứ 13”. Lấy chồng đã 15 năm, nguyên nhân hiếm muộn là do chị. Cũng cày cục, có bệnh thì vái tứ phương, không có bất cứ phương pháp nào chị không thử. Nhưng rồi niềm hy vọng có một bào thai nảy nở vẫn bóng chim tăm cá. Để rồi một ngày, chị nhận được tin nhắn của người đàn bà là nhân tình của chồng chị: “Bố mẹ mày không dạy mày đẻ à? Không làm được thì để tao. Chuyện nhỏ ấy mà.”
Chị kể, vì muốn níu kéo gia đình, chị đã về tận nhà người phụ nữ kia để nói chuyện. Nhưng ở đây, chị lại bị chính bố mẹ của cô ta hắt hủi:” Có chồng không biết giữ thì kêu ai”… Chị chua xót, cái tội lớn nhất của chị, đó là không thể mang thai.
Trời sinh ra khiếm khuyết, nỗi đau chồng chất nỗi đau, không được làm mẹ đã là một thiệt thòi lớn, nhưng bị dè bỉu, mất mát và bị chà đạp, coi thường là nỗi đau gấp bội mà những người đàn bà hiếm muộn đang mang…
(Còn nữa)
Minh Dương