Vài năm làm kinh tế tại Châu Phi, chị Kiều Loan (35 tuổi, Hà Nội) phát hiện mình bị xoắn 2 vòi trứng khó mang thai. Quá lo lắng, vợ chồng chị quyết định bỏ hết công việc về nước và bắt đầu hành trình dài chạy chữa tìm con.
Phụ nữ khi cất bước theo chồng, họ luôn ước ao có một mái ấm hạnh phúc với tiếng cười trẻ thơ. Nhưng đối với chị Kiều Loan (35 tuổi, Hà Nội), hành trình đi tìm điều giản đơn ấy quá đỗi gian nan và nhiều nước mắt, khổ đau. Hơn 5 năm lấy chồng là từng đó thời gian chị lăn lộn với bao nhiêu ngóng trông được nghe tiếng gọi thiêng liêng: Mẹ ơi!
Từ bỏ cơ nghiệp chạy chữa tìm con
Sau kết hôn, vợ chồng chị Kiều Loan sang Châu Phi làm kinh tế. Họ dành hết thời gian nghiên cứu, phát triển sản phẩm với mong muốn công việc diễn ra thuận lợi. Thậm chí, họ còn không hề đoái hoài gì đến chuyện sinh con.
Trong 2 năm, công ty của gia đình chị Loan đã có chỗ đứng vững trong thị trường. Khi ấy, họ chợt nhận ra con cái cũng rất quan trọng nhưng không hiểu sao “thả” mãi chưa có bầu.
Chị Loan kể, trong 1 lần đến nhà vị bác sĩ phụ sản ký hợp đồng thiết kế, chị đã quyết định siêu âm, kiểm tra xem có bệnh hay không. Tại đây, họ chẩn đoán chị bị xoắn 2 vòi trứng và rất khó mang thai. “Nghe xong, tôi như chết đứng người, không tin vào lời nói của vị bác sĩ. Về nhà, tôi thơ thẩn như kẻ mất hồn và tâm trí luôn hiển hiện hình ảnh một đứa trẻ. Khi trấn an lại tinh thần, vợ chồng tôi quyết định bỏ cơ ngơi bên đó về Việt Nam chạy chữa tìm con”, chị Loan nói.
Sau 4 năm ròng miệt mài, vợ chồng chị Loan đã có một bé gái xinh xắn, đáng yêu
Vừa đáp máy bay về Hà Nội, anh chị đã đến ngay bệnh viện khám tổng thể. Các xét nghiệm cho thấy, chị Loan bị tắc 2 vòi trứng bẩm sinh, còn ông xã chị bình thường. Sau ngày đó, chị bắt đầu cuộc chạy đua trong hành trình dài tìm kiếm con yêu! Chị bảo, hễ ai mách ở đâu có thày giỏi chữa trị vô sinh, chị đều tìm đến.
“Có đợt điều trị, thầy lang bảo phải uống thuốc kèm rượu vang mới hiệu quả. Tôi tin và uống theo đúng lời dặn của thầy. Vậy là, mỗi lần uống thuốc, tôi uống 1 cốc rượu to. Cuối cùng, vòi trứng không thông mà lại lên cơn đau dạ dày”, chị Loan nhớ lại.
Hơn một năm trời miệt mài chạy chữa tứ phương, vợ chồng chị Loan vẫn mãi không thấy có tin vui. Họ cảm thấy mệt mỏi và mất dần niềm tin, muốn buông xuôi tất cả để quay lại Châu Phi sinh sống, tránh lời nói ra vào của mọi người.
Trong lúc tuyệt vọng, người chị họ đã mách vợ chồng chị Loan đi làm thụ tinh ống nghiệm (IVF), cơ hội mang thai sẽ cao hơn. “Ngày ấy, phương pháp IVF chưa phổ biến như bây giờ. Vì vậy, tôi khá băn khoăn về khả năng thành công khi IVF. Nhưng, nó chính là “sợi dây” hi vọng cuối cùng của vợ chồng tôi”, chị tâm sự.
Niềm vui xen nỗi đau tận cùng
Vài ngày tìm hiểu và suy nghĩ, vợ chồng chị Loan quyết định chọn Bệnh viện 103 (Hà Nội) để tiến hành IVF. Họ được một bác sĩ có tâm tận tình giúp đỡ làm các xét nghiệm.
Chị Loan cho hay, từ lúc chuyển hồ sơ vào đến thời điểm IVF khoảng 8 tháng. “Thời điểm chuyển phôi, tôi rất lo lắng và hồi hộp không biết có thành công hay không. Trộm vía, cơ thể cứ lâng lâng khó tả như đang mang thai. Sau đó, tôi nằm bất động trong nhà 2 tuần chờ kết quả. May mắn, que thử thai hiện 2 vạch đỏ, lượng beta đạt. Khi ấy, ông xã đã ôm tôi và bật khóc vì quá hạnh phúc – một niềm vui khó tả”.
Bé gái đã được 2 tuổi rưỡi, luôn biết nghe lời ba mẹ
Sau bao chông gai, khổ đau, người phụ nữ ngoài 30 đã được nếm “trái ngọt”. Có lẽ, đó là niềm vui tuyệt vời nhất của chị từ khi cất bước theo chồng. Hàng ngày, chị cố gắng ăn nhiều cho thai khỏe chờ ngày siêu âm tim thai. Chị cho hay, chị sẽ mãi không quên buổi sáng vào viện kiểm tra – cú sốc lớn của vợ chồng chị, chấm dứt quãng ngày hạnh phúc ngắn ngủi.
“Trong lúc đợi siêu âm, tôi mường tượng ra đủ thứ: nào là nhìn thấy con, cần phải chuẩn bị những gì trước sinh,… Hơn nữa, mấy chị siêu âm báo thai khỏe, thai đôi,… khiến không gian phòng khám tràn ngập hạnh phúc.
Đến lượt tôi, bác sĩ dò đi dò lại rồi lẩm bẩm “Sao không thấy? Lạ thật!”. Nghe vậy, tôi bắt đầu hoang mang và run sợ. Họ bảo tôi đi ra ngoài đợi bác giám đốc đến kiểm tra lại. Vị bác sĩ đã trấn an vợ chồng tôi và thông báo chửa ngoài dạ con, chỉ định ra viện C điều trị. Tôi đã khóc, ngục ngã trong phòng bệnh vì không tin vào lời nói của bác sĩ”, chị Loan nghẹn ngào.
Dù buồn đau, người chồng cố nén nước mắt vào trong để động viên vợ gượng dậy, bước qua nỗi đau đến tận cùng. Ra viện C khám lại, chị Loan được chỉ định mổ cấp cứu. Lúc này, dường như không thể che giấu cảm xúc thật, họ đã ôm nhau khóc trước cửa phòng phẫu thuật. Giá như, việc đó chỉ là một giấc mơ vĩnh viễn không có thực thì hạnh phúc biết bao!
Sau tất cả, con yêu đã về
Nằm trên giường bệnh chịu đựng nỗi đau mất con, chị Loan không biết phải gắng dậy và bắt đầu lại như thế nào. Trong tâm trí, chị chưa hoàn toàn chấp nhận hiện thực cay đắng đó. May mắn, vị bác sĩ chuyển phôi cho họ thường xuyên gọi điện động viên, an ủi vợ chồng chị vượt qua cơn giông tố lớn của cuộc đời!
Chị Loan vừa sinh thêm bé thứ 2 được 1 tháng bằng phương pháp IVF
Sức khỏe dần bình phục, vợ chồng chị Loan tiếp tục hành trình chạy chữa với hi vọng con yêu một lần nữa sẽ về bên. Họ đã qua viện Nam học và Hiếm muộn thăm khám, điều trị. Chị kể, lần này ông trời thương họ nên đậu được 1 phôi. Khoảnh khắc nhìn con trên màn hình siêu âm, chị Loan bật khóc nhưng đó là những giọt nước mắt chất chứa bao niềm hạnh phúc, vui mừng.
Hiện tại, cô con gái đầu lòng của vợ chồng chị Loan đã được 2 tuổi rưỡi, rất đáng yêu, xinh xắn và thông minh.
Năm ngoái, vợ chồng chị tiếp tục đến bệnh viện Nam học tiến hành IVF với hi vọng con gái có em, gia đình thêm tiếng trẻ thơ. Chị nói: “Tôi vừa sinh bé thứ 2 được 1 tháng và còn lưu 6 phôi ở viện. Trong lương lai, tôi sẽ làm tiếp dù kinh tế rất khó khăn nhưng trong hoàn cảnh này, tôi không dám vứt bỏ phôi của mình. Nó là những đứa con ruột, khi nào khỏe mạnh và có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục làm”.
Gần chục năm qua, vợ chồng chị Loan phải đối diện bao khó khăn, gian khổ và rơi nước mắt không biết bao lần. Thậm chí, đã có lúc họ muốn từ bỏ quyền được làm cha làm mẹ và chấp nhận hiện thực nghiệt ngã không có con. Cuối cùng, họ đã mạnh mẽ vượt qua tất cả để chạm tới thiên chức vốn có của chính mình. Mong rằng, tổ ấm của họ luôn mạnh phúc, vui vẻ.